Đau mắt đỏ gia tăng, Bộ Y tế ra 5 khuyến cáo

  • Thread starter Master
  • Ngày bắt đầu
  • Trả lời 0
  • Xem 114

Master

Đầy tớ nhân dân
Nhân viên
Quản lý
12/12/19
3,208
7,486
Bến Tre
gianghi.net
VNĐ
140,012
Nguyễn Văn Thiệp
thieptb
langtuthiep
hoahocthcsnpt
- Trong một tháng trở lại đây, tại nhiều địa phương, số ca mắc đau mắt đỏ tăng cao. Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, ngành Y tế đã đưa ra 5 khuyến cáo người dân cần biết thực hiện.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Bệnh nhân bị đau mắt đỏ điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: TL
Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.
TS. BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, nếu như các năm trước, khi mới bước vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám, thì năm nay đã có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.
BS Hoàng Cương cũng lưu ý, mặc dù chưa có những số liệu thống kê liên quan về biến chứng, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.
Tại Khoa Mắt của Bệnh viện Nhi Trung ương, khoảng 1 tháng nay, ngày nào cũng trong tình trạng chật kín bệnh nhi. Đa phần trẻ đến khám vì đau mắt đỏ.
Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết mỗi ngày, khoa tiếp nhận 40 - 50 trẻ có biểu hiện của viêm kết mạc cấp, trong đó 80% là do virus Adeno. Ở trẻ em, bệnh đau mắt đỏ có thêm biểu hiện của viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố tăng cao so với các năm gần đây. Thống kê cho thấy, tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại thành phố ghi nhận trong ngày 13/9 là 3.840 ca, giảm 114 ca so với ngày 12/9 (ca có địa chỉ tại thành phố chiếm 86,9%); trong đó có 2.238 ca trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 253 ca so với ngày 12/9).
Không tự điều trị đau mắt đỏ
Theo bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, đau mắt đỏ không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như trầy xước giác mạc, thậm chí mất thị lực. Bệnh khởi phát 3 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây, triệu chứng là xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn xanh - vàng.
Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh nguy cơ xuất hiện giả mạc là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, khiến bệnh lâu khỏi hoặc gây tổn thương giác mạc. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét, ảnh hưởng thị lực lâu dài của trẻ.
"Thông thường, đau mắt đỏ sẽ khỏi sau 5 - 7 ngày điều trị. Tuy nhiên năm nay, nhiều trường hợp bị nặng hơn ở thể viêm kết giác mạc phải điều trị từ 10 - 20 ngày. Có những bệnh nhân tự mua thuốc điều trị dẫn đến loét giác mạc, tăng nhãn áp, thậm chí sẹo giác mạc làm suy giảm thị lực" - bác sĩ Quỳnh Anh lo ngại.
Đưa ra khuyến cáo phòng bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, lưu ý đau mắt đỏ dễ lây qua tiếp xúc, lây qua đường tay - mắt: Tay bệnh nhân chạm vào mắt, nhiễm mầm bệnh, rồi tay chạm vào các vật dụng khác làm vương vãi mầm bệnh... Do đó, khi bị đau mắt đỏ nên cách ly tương đối và tránh ngủ chung với người bệnh.
BS Hoàng Cương cho biết virus gây bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây mạnh nhất khi xuất hiện các triệu chứng toàn phát ở thời điểm mắc, từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, nhưng 3 ngày đầu mới mắc (trong giai đoạn ủ bệnh) và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian nguy cơ làm lây lan sang người khác khoảng 2 tuần. Trẻ em mắc bệnh nên nghỉ học, vì đến lớp rất dễ lây nhiễm cho các bạn.
Đau mắt đỏ ở trẻ em thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, lúc cơ thể của bé khá nhạy cảm nên dễ chịu sự tác động và tấn công bởi vi khuẩn bên ngoài. Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế bệnh phát tán.
Bệnh thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, Thủy đậu, Poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…).
Thời gian miễn dịch với virus đau mắt đỏ sau mắc bệnh kéo dài trong 2 tháng nên đã mắc bệnh cũng có thể tái mắc trong một vụ dịch.
5 khuyến cáo cần biết để phòng chống đau mắt đỏ
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế./.
 

Phần mềm thông dụng

Back
Bên trên