Học sinh lớp 9 chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM năm tới rất lo lắng vì đây là năm đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng Tổ ngữ văn - Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết với Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là ở môn ngữ văn, giáo viên (GV) rất quan tâm việc đề thi tuyển sinh lớp 10 sẽ như thế nào khi dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Qua cấu trúc đề và đề minh họa mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM mới công bố, có thể thấy nội dung bảo đảm tinh thần của Chương trình GDPT 2018, đó là phát triển phẩm chất và năng lực người học. Theo thầy Bảo, khi học môn ngữ văn, HS được dạy rất nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng nghị luận văn học. Trong đó, khi nghị luận văn học, HS ít nhiều cần có năng khiếu cũng như sự trải nghiệm - trải nghiệm cuộc sống và trải nghiệm văn học. Nếu nghị luận văn học chiếm tỉ trọng quá cao thì đề thi sẽ mất đi tính khoa học và cũng không bảo đảm được định hướng dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Vì vậy, cấu trúc đề thi môn ngữ văn như Sở GD-ĐT định hướng là rất ổn.
Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), cho hay thực tế trong nhiều năm qua, đề thi lớp 10 tại TP HCM đã đổi mới, từng bước tiệm cận Chương trình GDPT 2018. GV và HS không quá bỡ ngỡ với hướng ra đề theo chương trình mới. "Đề thi môn ngữ văn được quy định không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa là ví dụ. Nhiều trường học tại TP HCM trong các lần kiểm tra định kỳ đã thực hiện điều này từ vài năm trở lại đây" - thầy Khánh dẫn chứng.
Trước những thay đổi trong cấu trúc đề thi môn tiếng Anh, cô Trần Thị Vân, GV Trường THCS Nguyễn Du, cho biết trước đây, câu 35 và 36 yêu cầu HS sắp xếp các từ gợi ý thành câu hoàn chỉnh, được đánh giá là khá đơn giản và dễ lấy điểm. Tuy nhiên, năm nay, câu hỏi đã thay đổi thành yêu cầu HS sử dụng từ vựng được cung cấp trong ngữ cảnh phù hợp để hoàn thành câu. Với đề thi minh họa, đòi hỏi HS không chỉ học thuộc từ vựng mà còn phải biết cách sử dụng từ trong các tình huống và ngữ cảnh khác nhau. Dạng đề thi mới này sẽ giúp HS rèn luyện kỹ năng sử dụng từ vựng linh hoạt hơn, thay vì chỉ học thuộc. Điều này sẽ tạo ra những thách thức mới cho HS nhưng cũng giúp nâng cao chất lượng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Trong khi đó, ở môn toán, việc giảm bớt câu hỏi yêu cầu vận dụng từ thực tiễn so với đề thi các năm trước được nhiều GV đánh giá cao. Theo thầy Phạm Hồng Danh, Trường THPT Vĩnh Viễn, để đáp ứng được đề thi theo chương trình mới, HS cần nắm chắc các kiến thức cơ bản học ở trường, kỹ năng tính toán số, biến đổi biểu thức, giải phương trình, bất phương trình, kiến thức cơ bản hình phẳng... theo hướng dẫn của GV. Cùng với đó, HS cần nâng cao khả năng đọc hiểu trong việc giải các bài toán thực tế; biết chuyển từ ngôn ngữ thường ngày qua ngôn ngữ toán học; từ đó có thể mô hình hóa bài toán, đưa về các bài toán cơ bản như giải phương trình, giải hệ phương trình, tính giá trị biểu thức...